Nông nghiệp Việt Nam đang biến động như thế nào?

(Dư luận) Liên tiếp ba năm gần đây nông nghiệp vẫn là bệ giảm sốc của nền kinh tế nhưng không có năm nào là không phải “giải cứu”, vẫn là phó mặc bà con nông dân muốn làm gì thì làm chứ không có chuỗi liên kết…

Xem thêm: Xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc thu về 6 tỷ USD

Nhận xét này là của Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên, tại phiên thẩm tra các báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội đầu tuần qua.

Nếu so với các lĩnh vực tài chính, ngân sách, đầu tư công… thì nỗi lo về nền nông nghiệp có vẻ nhẹ hơn một chút. Nhưng như băn khoăn của Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh là nông nghiệp năm nay tăng khoảng 3,31% chắc cũng là đỉnh cao, vậy những năm tới đây có phải là một động lực cho tăng trưởng chung của cả nền kinh tế hay không?

Trở lại nhận xét của Phó chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên, việc năm nào cũng phải “giải cứu” một số sản phẩm nông nghiệp, mà thời điểm hiện tại đang là với thanh long, cho thấy sự nan giải của tái cơ cấu lại ngành kinh tế vô cùng quan trọng này.

Theo đánh giá của chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quá trình cơ cấu lại diễn ra chậm, kết quả chưa đạt so với mục tiêu và yêu cầu, tăng trưởng chưa đạt mục tiêu và chưa vững chắc. Một số địa phương chưa có quy hoạch rõ ràng, xác định cơ cấu và sản phẩm lợi thế chưa phù hợp, có tình trạng sản xuất vượt quy hoạch và theo phong trào.

Nhìn lại kết quả qua các chỉ tiêu cụ thể, mục tiêu đặt ra là tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt khoảng 3%/năm giai đoạn 2017 – 2020. Nhưng hai năm 2016 và 2017 do thiên tai gây thiệt hại nặng nề nên tăng trưởng thấp hơn mục tiêu: 2016 đạt 1,36% và 2017 là 2,9%.

Sáu tháng đầu năm 208 nông nghiệp tăng trưởng 3,93%, cả năm dự kiến tăng 3,4%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng của cả giai đoạn, trong hai năm còn lại toàn ngành phải đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu khoảng 3-3,1%.

Nhiều con số đáng chú ý khác cũng được nêu tại báo cáo. Như, tỷ trọng lao động nông nghiệp hết 2017 giảm còn 40,1% và đến tháng 6/2018 còn 38,6%.

Thu nhập của cư dân nông thôn hết 2017 đạt 32 triệu đồng/người, tăng 1,53 lần so với năm 2015.

Tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị là mục tiêu rất quan trọng, khi được mùa mấy giá, được giá mất mùa đã thành điệp khúc.

Kết quả thực hiện mục tiêu này, theo báo cáo là các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị khá phổ biến. Có khoảng 579,3 nghìn ha cánh đồng lớn với 2.262 điểm và nhiều cơ sở sản xuất chăn nuôi, thuỷ sản được tổ chức theo hình thức liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ.

Bộ cũng cho biết, ba năm qua đã có khoảng 503 ngàn ha trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản, cây ăn quả và các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên, còn khá nhiều hạn chế, vướng mắc trong tái cơ cấu ngành được Bộ nhìn nhận. Như, năng lực sản xuất lớn trong khi thị trường tiêu thụ diễn biến khó lường, công tác dự báo cung cầu yếu nên có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ bị chậm, giá giảm, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống.

Hạn chế nữa là đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm, kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang bộc lộ những yếu kém cản trở quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp. Sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ chưa trở thành chủ đạo.

Đáng chú ý, tỷ trọng vốn đầu tư xã hội vào ngành chỉ khoảng 5,8% của cả nước.

Thu nhập và đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, chậm được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, báo cáo nêu rõ.

Và theo nhận xét của Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Nguyễn Lâm Thành thì nhận xét này cũng xuất hiện đều đặn trong báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội, nhưng đánh giá tác động chính sách cho đồng bào vùng sâu,vùng xa thì chẳng có bộ nào nắm được chính xác.

Nguồn: Theo Economy.vn

Comments

comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *