Site icon 12 CUNG HOÀNG ĐẠO

Nhà hát Thủ Thiêm vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi

(Duluan.vn) Nêu quan điểm nếu dự án nào không hợp lòng dân thì không nên triển khai, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nếu cứ dĩ hòa vi quý thì dễ thành dĩ hòa vi… phạm, dĩ hòa vi hiến.

Tại phiên thảo luận chiều 29/10, đề cập dự án Nhà hát Thủ Thiêm 1.500 tỷ đồng mà HĐND TPHCM vừa thông qua, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện, cho biết, ông đã nhận được báo cáo của TPHCM và càng nghiên cứu báo cáo về dự án này, ông lại “càng thấy nao núng”. Theo ông, lúc này không phải thời điểm để xây dựng Nhà hát Thủ Thiêm. “Dự án gì không hợp lòng dân thì không được triển khai. Không nên dĩ hòa vi quý. Nếu dĩ hòa vi quý thì dễ thành dĩ hòa vi phạm, dĩ hòa vi hiến”, ông Nhưỡng nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM khẳng định, thành phố cân đối được nguồn vốn ngân sách để xây dựng Nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm và vẫn đảm bảo sự phát triển hài hòa. Bà lý giải, lĩnh vực văn hóa được nhận định chưa đầu tư đúng mức và dự án này nằm trong quy hoạch tổng thể của thành phố đến năm 2020.

Theo đại biểu đoàn TPHCM, dự án này lẽ ra được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2011 – 2015, nhưng do còn ý kiến khác nhau nên đến bây giờ mới tiến hành xây dựng. Bà Tâm nói rằng, dự án được thực hiện trong khoảng 1 – 5 năm và giải ngân vốn từng giai đoạn. Đối với vấn đề của người dân Thủ Thiêm, lãnh đạo thành phố vẫn đang giải quyết một cách thận trọng, chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi đúng pháp luật, bà nói.

3 năm tiếp 112 đoàn thanh tra, kiểm toán

Giải trình trước Quốc hội về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công cho hai dự án trọng điểm quốc gia: đường cao tốc Bắc Nam phía Đông và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, sau khi Quốc hội thông qua, Bộ đã triển khai hàng loạt quy trình theo đúng quy định của pháp luật. “Trong 3 năm qua, Bộ đã tiếp 112 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, trong đó có Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào làm việc. Kết luận của các cơ quan chức năng đều yêu cầu Bộ GTVT và Chính phủ thực hiện nghiêm quy định pháp luật trong quá trình triển khai công trình hạ tầng”, ông Thể nói. Vì vậy, theo ông, với hai dự án trên, việc triển khai được thực hiện đúng trình tự, không cho phép sai sót ở bất cứ khâu nào; công trình phải đảm bảo tiến độ, chất lượng và phải đúng thủ tục.

Xem thêm: Số tiền 1.500 tỷ xây nhà hát Thủ Thiêm được “để dành” từ 2014

Ông Thể cho biết, trong tháng 11 nếu Chính phủ phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai sẽ sử dụng khoản 23.000 tỷ đồng bố trí cho giải phóng mặt bằng; còn khoản 55.000 tỷ đồng cho đường cao tốc Bắc Nam phía Đông thì đến tháng 1/2019, sau khi Bộ bàn giao mặt bằng cho các địa phương, mỗi tỉnh sẽ chọn từng đoạn đơn giản nhất để lập dự án trước và phê duyệt. “Lúc đó mới bắt đầu chi trả tiền giải phóng mặt bằng”, ông Thể nói.

Cùng tham gia giải trình, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói rằng, trước khi có Luật Đầu tư công, xảy ra tình trạng phân tán, dàn trải, tùy tiện, để lại hệ quả lớn, quyết đầu tư mà không biết có tiền hay không. Từ đó tạo áp lực xin vốn, xin ứng trước, kéo dài nợ đọng. “Đây là hệ quả lớn trong giai đoạn trước đây mà trong giai đoạn 2016 – 2020 phải tập trung xử lý”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng KH&ĐT, từ khi có Luật Đầu tư công, đã khắc phục được nhiều tồn tại bất cập kể trên. Nếu giai đoạn trước có 21 nghìn dự án, thì sang giai đoạn 2016 – 2020 đã giảm xuống chỉ còn 9 nghìn dự án, giảm hơn một nửa so với thời kỳ trước. Trong số 9 nghìn này, có tới hơn 8 nghìn dự án là chuyển tiếp từ giai đoạn trước, và giai đoạn này chỉ khởi công mới 400 dự án với số vốn rất hạn hẹp. Bạn có thể xem thêm các tin tức khác tại đây.

Nguồn: Tiên Phong

Comments

comments

Exit mobile version