Băn khoăn “có nên duy trì lớp chọn hay không?”

(Dư luận) Giữa bao bộn bề lo toan đầu năm học mới, tôi bắt gặp khá nhiều chia sẻ hay và bổ ích trên báo Dân trí về chủ đề “Lớp chọn ở trường phổ thông: Nên hay không nên?”. Người cật lực phản đối, người tích cực ủng hộ và ai cũng có những lập luận riêng của mình.

Tôi lại muốn mọi người tập trung vào một phương diện khác: Cái nhìn của học sinh về lớp chọn, sự tác động của lớp chọn đối với chất lượng học tập của các em. Và chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của các em để thử suy ngẫm về lợi ích và mặt trái của lớp chọn!

Đúng như cô giáo Thanh Thanh đã phân tích. Lớp chọn là môi trường nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng của học sinh để “đem chuông đi đánh xứ người” trong các kỳ thi học sinh giỏi. Đúng như cô giáo G.S. chia sẻ, lớp chọn có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao hơn hẳn.

Bởi đơn giản, đây là nơi tập trung học sinh giỏi về năng lực; tốt về ý thức nhất trong mỗi khối lớp đã được chọn lựa, sàng lọc thông qua điểm số kiểm tra, thi cử.

Và để vào được lớp chọn, các em phải tham gia vào các kỳ kiểm tra chất lượng đầu năm để xếp lớp. Có trường lại thực hiện việc chia lớp dựa vào kết quả học bạ, điểm chuẩn xét tuyển…

Để chiếm một chỗ trong lớp chọn, học sinh buộc phải giỏi. Đôi khi chính vì mục tiêu phải vào được lớp này, lớp kia trong ngôi trường danh giá nọ, nhiều em đã phải học thêm, luyện thi từ rất sớm. Nhiều gia đình đặt hẳn mục tiêu trường chuyên lớp chọn cho con từ cách đó một vài năm và biến nó thành áp lực không nhỏ đối với trẻ.

Đầu tắt mặt tối vì học thêm và luyện thi vô tình biến tuổi thơ của nhiều đứa trẻ trở nên trống rỗng, chỉ biết học, học và học. “Mỹ từ” lớp chọn cũng khiến không ít phụ huynh ảo tưởng về năng lực của con em mình, họ ép con phải học, phải thi thố đạt điểm cao và tất nhiên khi bị “loại khỏi cuộc chơi”, sự dằn vặt lẫn tra tấn tinh thần từ bố mẹ khiến đứa trẻ trở nên tội nghiệp hơn bao giờ hết!

Vào học lớp chọn cùng bạn giỏi sẽ có điều kiện phát triển năng lực bản thân, lớp chọn lại được ưu tiên học với thầy cô giỏi, lớp chọn có cơ hội tham gia các kỳ thi học sinh giỏi… Vậy nhưng, đừng lầm tưởng rằng vào học lớp chọn là sướng!

Vì lớp chọn tập trung hầu hết là học sinh giỏi và xuất sắc của khối nên phong trào học tập sẽ luôn căng như sợi dây đàn, buộc học sinh phải nỗ lực và phấn đấu liên tục. Bất kỳ một sự lơ là, lêu lỏng nào cũng sẽ nhanh chóng bị tụt lùi so với các bạn cùng lớp. Áp lực học tập không hề nhỏ đôi khi khiến học sinh luôn quay cuồng và dễ suy sụp, thất vọng về bản thân.

Đáng nguy nhất là tình trạng mỗi năm học là một sự đào thải và thay thế học sinh giỏi trong lớp chọn. Học sinh nào học hành có phần lẹt đẹt trong lớp chọn sẽ bị đẩy ra lớp thường và bị thay thế bởi những em có thành tích nổi trội ở các lớp khác. Cuộc đua ấy khiến không ít em bị “rớt” lớp chọn thất vọng, ê chề và nhụt chí.

Nếu lớp chọn là một cuộc đua về áp lực học tập, áp lực thành tích thì lại rất khó để thúc đẩy phong trào học tập ở những lớp thường còn lại. Sức học làng nhàng, ý thức nề nếp xuề xòa cứ kéo dài từ ngày nọ sang ngày kia đến hết năm học.

Phải chăng học sinh trong lớp thường sẽ nhìn về lớp chọn với ánh mắt ngưỡng mộ, thán phục và phấn đấu? Tôi chỉ e rằng len lỏi trong đó là những cái nhìn thiếu thiện cảm, ganh ghét, đố kỵ với học sinh lớp chọn. Sự mất đoàn kết ngay trong chính các em học sinh sẽ biến môi trường học đường thành nơi nuôi dưỡng nhiều thói xấu đáng buồn!

Điểm số thấp hơn hẳn, chất lượng cũng yếu thế hơn, phong trào thi đua lẹt đẹt sẽ mãi là “thương hiệu” của lớp thường, nhất là những lớp tập trung toàn học sinh yếu kém nhất khối. Muốn các em thay đổi, phấn đấu cho bằng bạn bằng bè cũng khó bởi nhìn quanh ai cũng như mình hoặc nhỉnh hơn tí xíu.

Lớp không có học sinh tích cực, làm thế nào để thúc đẩy phong trào học tập và thi đua? Lớp không có nhân tố tiêu biểu, thử hỏi có “đèn” nào cho các em gần và soi?

Vậy nên, trả lời cho câu hỏi “duy trì lớp chọn hay không?” nằm trong chính những trăn trở và băn khoăn trên!

Nguồn: Theo Dân trí

Comments

comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *